Header Ads

Đề thi THPT quốc gia 2020 được xây dựng theo chương trình đã tinh giản

>>TRANG TIN VỀ DỊCH BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP COVID-19 CỦA BỘ Y TẾ

>>Covid-19 trên Thế giới

>>Video: Những việc bé nên và không nên làm để phòng chống dịch Covid-19

>>[Cập nhật 21/03] - Những địa phương cho học sinh nghỉ đến tháng 4 phòng Covid-19

1. Khẩn trương công bố đề tham khảo thi THPT quốc gia

Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đối với các đơn vị chuyên môn, để làm cơ sở cho thầy trò lớp 12 yên tâm học tập và ôn luyện.


Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ GD-ĐT diễn ra chiều ngày 23/3, Bộ trưởng Nhạ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn đẩy nhanh tiến độ rà soát để tinh giản nội dung môn học; Khẩn trương xây dựng và công bố đề tham khảo thi THPT quốc gia 2020 phù hợp việc tinh giản nội dung, làm cơ sở cho thầy trò yên tâm, ôn luyện.

Về dạy học trực tuyến và trên truyền hình, ông Nhạ cho biết, ngày 23/3, Bộ GD-ĐT đã ban hành văn bản số 988/BGDĐT-GDĐH gửi các đại học, trường đại học, học viện; các trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm về việc bảo đảm chất lượng đào tạo từ xa trong thời gian phòng chống dịch Covid-19.

Đối với bậc phổ thông, quy định về dạy học qua internet, dạy học trên truyền hình cũng sẽ sớm được ban hành, làm cơ sở cho các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả theo chương trình giáo dục đã được tinh giản.

Theo ông Nhạ, việc xây dựng, thẩm định các bài giảng điện tử từ các nội dung chương trình sau khi đã tinh giản, sẽ được Bộ chỉ đạo sát sao để không “buông lỏng” chất lượng.

Trong những ngày tới, Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm phối hợp hỗ trợ miễn phí nền tảng công nghệ cho phương thức dạy học online, dạy học qua truyền hình cho các địa phương, các nhà trường. Bộ cũng sẽ tổ chức họp trực tuyến với 63 sở GD-ĐT ngay trong tuần này để thống nhất triển khai thực hiện tinh giản nội dung dạy học, triển khai dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình, đảm bảo đồng bộ và hiệu quả” - ông Nhạ nói.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ông Nhạ nhấn mạnh cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ một phần khó khăn cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập, không chỉ dừng ở văn bản đề xuất mà cần có hành động cụ thể.

Ông cũng gửi lời động viên, chia sẻ sâu sắc tới giáo viên, học sinh và phụ huynh trên cả nước và mong rằng, các nhà trường, học sinh, phụ huynh yên tâm, tiếp tục chủ động phối hợp với ngành giáo dục để vừa tích cực phòng, chống dịch bệnh. Qua đó, đảm bảo việc dạy và học với phương châm học sinh không đến trường nhưng việc học không gián đoạn.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ biểu dương tinh thần của các trường đại học trong việc huy động ký túc xá làm khu cách ly tập trung và tinh thần tình nguyện tham gia ứng phó với dịch bệnh Covid-19 của sinh viên các trường y trên cả nước.

Ông Nhạ cho biết, sẽ có hình thức khen thưởng phù hợp cho các nhóm nghiên cứu thuộc các trường đại học, các tập thể, cá nhân thời gian qua đã có những sáng kiến chế tạo ra các thiết bị hữu dụng, áp dụng được ngay vào thực tế, góp phần tích trong việc phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời mong muốn các trường đại học trong cả nước tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu tương tự.

Hải Nguyên (Vietnamnet)

2. Đề thi THPT quốc gia 2020 được xây dựng theo chương trình đã tinh giản

Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết đề minh họa và đề chính thức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 sẽ được xây dựng dựa trên nội dung chương trình đã tinh giản do nghỉ học kéo dài mùa dịch Covid-19.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết, trong tháng 3 này, Bộ sẽ ban hành công văn hướng dẫn cụ thể việc tinh giản chương trình để các nhà trường, giáo viên được biết và triển khai tổ chức dạy học.

Theo đó, việc kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học cũng sẽ phải được điều chỉnh phù hợp theo chương trình đã được tinh giản.

Căn cứ chương trình tinh giản, đề thi THPT quốc gia 2020 cũng sẽ được xây dựng phù hợp. Không thể kiểm tra, thi những nội dung đã tinh giản rồi”, ông Thành nói.

Tuy nhiên, ông Thành cũng lưu ý các nhà trường, giáo viên và học sinh, việc tinh giản nội dung dạy học sẽ chỉ tập trung vào học kỳ II của năm học 2019-2020.

Bộ GD-ĐT tính toán công bố chương trình tinh giản vào tháng 3 này, song điều khiến nhiều người đặt ra là thực tế chưa biết đến khi nào học sinh có thể quay trở lại trường. Như vậy liệu việc giảm tải, tinh giản nội dung chương trình có đảm bảo “đến độ”, tối ưu so với thực tế dạy học.

Về điều này, ông Thành cho hay, không phải chỉ một mà Bộ thực hiện song song 2 giải pháp. Giải pháp thứ nhất là thực hiện tinh giản nội dung, cũng thuận lợi cho việc thiết kế các bài dạy học qua internet hoặc trên truyền hình. Giải pháp thứ hai cho phần còn lại là khi học sinh quay trở lại trường thì có thời gian hoàn thành chương trình.

Có thể hình dung việc thực hiện những phần chương trình học kỳ II năm học này sẽ có 2 phần. Một là khi chưa đến trường thì thực hiện bài học ở trên mạng hoặc qua truyền hình. Phần còn lại học sinh sẽ đến trường để hoàn thành nốt. Nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến quá phức tạp và còn phải tiếp tục nghỉ dài hơn thì có nghĩa phần dạy học qua internet và truyền hình sẽ bị dài ra, và phần trên lớp sẽ ngắn lại. Khi đã có quy định hướng dẫn và đảm bảo kiểm soát được quá trình dạy học của học sinh rồi thì đoạn học sinh học trực tuyến cũng được công nhận.

Tuy nhiên, chúng ta cũng hy vọng có thể kiểm soát được dịch bệnh để học sinh đến trường được sớm hơn và phần dạy học qua trực tuyến sẽ ít đi”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, cũng có một số trường chủ động trong xây dựng kế hoạch năm học và thiết kế một số nội dung kiến thức của học kỳ 2 đã được đẩy lên tổ chức dạy học cho học sinh ở học kỳ 1. Song có thể số kiến thức này lại rơi vào phần được tinh giản trong công bố tới đây.

"Tuy nhiên số kiến thức, bài học này không nhiều. Mà kể cả như vậy, các nhà trường và học sinh cũng nên nhìn nhận việc học cũng không phải chỉ để thi mà có thể trang bị cho các em thêm các kỹ năng, phẩm chất”.

Thanh Hùng (Vietnamnet)

3. Lùi lịch thi THPT quốc gia, trường ĐH vẫn phải kết thúc tuyển sinh vào tháng 12

Dù kỳ thi THPT quốc gia đã lùi lịch do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, công tác tuyển sinh năm 2020 tại các trường đại học vẫn phải hoàn thành vào cuối tháng 12.

Thời điểm kết thúc tuyển sinh năm 2020 vẫn sẽ vào 31/12

Đến nay, Bộ GD-ĐT đã 2 lần điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020. Hiện tại, theo đúng kế hoạch, thời gian kết thúc năm học sẽ diễn ra trước ngày 15/7 và kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra từ ngày 8-11/8.

Việc lùi thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đã làm thay đổi kế hoạch học tập và tuyển sinh chính quy năm 2020 của các cơ sở giáo dục đại học. Kể cả đối với các trường không tuyển sinh từ kết quả thi THPT quốc gia, việc tuyển sinh cũng vẫn phải lùi cho đến khi học sinh được xét tốt nghiệp mới có thể chốt danh sách trúng tuyển.

Như vậy, lịch cho thí sinh đăng ký xét tuyển, đăng ký tuyển thẳng, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển và các mốc thời gian khác quy định cho xét tuyển đợt 1 từ kết quả thi THPT quốc gia năm 2020 dự kiến cũng sẽ phải lùi lại và “tịnh tiến” về sau.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – Bộ GD-ĐT, thời điểm kết thúc tuyển sinh của năm 2020 dự kiến vẫn sẽ thực hiện như các năm trước, tức là kết thúc vào ngày 31/12.

Lý giải điều này, bà Phụng cho biết, các cơ sở giáo dục đại học có quyền tự chủ tuyển sinh, tuyển sinh nhiều đợt trong năm. Kế hoạch tuyển sinh của trường là do từng trường xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện. Bộ GD-ĐT chỉ ban hành Kế hoạch tuyển sinh đợt 1 năm 2020, áp dụng chung đối với các trường xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia.

Căn cứ vào kết quả tuyển được và thời gian còn lại, các trường sẽ chủ động xây dựng, thực hiện kế hoạch tuyển sinh phù hợp và kết thúc trong năm 2020.

Đối với trường không xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia thì việc tuyển sinh càng chủ động và linh hoạt hơn. Quy chế tuyển sinh đã quy định, các trường xác định và công bố cụ thể trong đề án tuyển sinh để thí sinh và người học chủ động chuẩn bị, đăng ký.

Các năm trước, kế hoạch tuyển sinh của phần lớn các trường đều bắt đầu vào cuối tháng 7 đến hết năm. Mặc dù quy định việc tuyển sinh kết thúc vào tháng 12, nhưng thực tế các trường thường kết thúc khoảng cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11. Thời gian sau đó, hầu hết các trường không tiếp tục tuyển sinh vì không phù hợp với kế hoạch năm học và hầu như không còn nguồn tuyển”, bà Phụng thông tin.

Vì vậy, bà Phụng cho rằng, năm 2020 nếu tuyển sinh từ cuối tháng 8 đến hết tháng 12 thì cũng không ảnh hưởng đến kế hoạch và kết quả tuyển sinh. Các trường vẫn chủ động điều chỉnh kế hoạch và có thể thực hiện được.

Có thể tận dụng cả thời gian dự phòng của năm 2021

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Luật Giáo dục Đại học đã quy định cho khối giáo dục đại học có quyền tự chủ rất lớn trong việc quyết định phương thức tổ chức và quản lý đào tạo các trình độ, hình thức đào tạo; có quyền chủ động trong việc xây dựng, thực hiện, điều chỉnh kế hoạch giảng dạy trong kỳ học, năm học, khoá học.

Trong quỹ thời gian hàng năm đã có khoảng 2-3 tuần dự phòng/kỳ học tuỳ theo từng trường và có khoảng 5-6 tuần nghỉ hè. Với quỹ thời gian cho phép đó và thực hiện phương thức đào tạo theo tín chỉ, các trường chỉ cần điều chỉnh lịch học để tháng 8 có đủ lực lượng tham gia kỳ thi THPT quốc gia”.

Bà Phụng cũng cho rằng, về việc kết thúc kỳ học, năm học, các trường sẽ điều chỉnh theo điều kiện thực tế và theo yêu cầu của chương trình đào tạo. Nếu tình hình dịch bệnh còn nan giải thì có thể tận dụng cả thời gian dự phòng của năm 2021.

Hiện nay, để đảm bảo chương trình và giảm lượng học tập trung, đã có 84 cơ sở giáo dục đại học tổ chức học tập trung; hơn 70 cơ sở dạy học trực tuyến và những trường còn lại đang tích cực chuẩn bị điều kiện để sớm triển khai kế hoạch dạy học trực tuyến, từ xa hoặc luân phiên kết hợp giữa đào tạo trực tuyến (lý thuyết) với học tập trung (thực hành, thí nghiệm).

Như vậy, có thể nói, các trường đang dần chuyển từ thế bị động sang thế có kế hoạch chủ động ứng phó với dịch bệnh, thực hiện kế hoạch học tập trong điều kiện phòng chống dịch, vừa đảm bảo chất lượng, vừa đảm bảo an toàn cho người học, cho cán bộ, giảng viên của nhà trường”, bà Phụng khẳng định.

Thúy Nga (Vietnamnet)

>>Phòng dịch COVID-19: Học sinh THPT Giá Rai xếp hàng đo thân nhiệt trước khi vào trường

>>LỚP HỌC TRỰC TUYẾN MÔN TIN HỌC

>>TIN HỌC GIÁ RAI đang hoạt động trên Lotus. Tham gia ngay!

>>Trang cá nhân của TIN HOC GIA RAI trên GAPO. Đăng ký tài khoản Gapo ngay!

No comments

Powered by Blogger.