Header Ads

Chia sẻ cách làm bài thi tốt THPT Quốc gia 2019

Các loại máy tính được mang vào phòng thi THPT quốc gia 2019

Những lưu ý khi vào phòng thi THPT Quốc gia 2019

Chiều nay (24/6), thí sinh làm thủ tục dự thi thpt quốc gia 2019

Cách tính điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2019

1. Khi làm bài thi trắc nghiệm, thí sinh cần lưu ý một số điểm trong quy chế thi THPT quốc gia năm 2019

Các em phải làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm được in sẵn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chỉ được tô bằng bút chì đen các ô số báo danh, ô mã đề thi và ô trả lời. Trường hợp tô nhầm hoặc muốn thay đổi câu trả lời, thí sinh phải tẩy sạch chì ở ô cũ, rồi tô ô mà mình lựa chọn.

Thí sinh phải điền chính xác và đủ thông tin vào các mục trống ở phía trên phiếu trả lời trắc nghiệm; với số báo danh phải ghi đủ và tô đủ phần số (kể cả các số 0 ở phía trước), điền chính xác mã đề thi vào hai phiếu thu bài thi.

Khi nhận đề thi, các em cần lưu ý môn thi thành phần trong mỗi bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội có cùng một mã đề thi. Nếu không cùng mã đề thi, phải báo ngay với cán bộ coi thi, chậm nhất 10 phút sau khi nhận đề. Thí sinh phải để đề thi dưới tờ phiếu trả lời trắc nghiệm, không được xem nội dung khi cán bộ coi thi chưa cho phép.

Thí sinh cũng phải kiểm tra đề thi để đảm bảo có đủ số lượng câu hỏi như đã ghi trong đề và tất cả trang của đề thi ghi cùng một mã đề. Không được nộp bài thi trước khi hết giờ làm bài. Khi hết giờ, các em phải nộp phiếu trả lời trắc nghiệm cho cán bộ coi thi và ký tên vào hai phiếu thu bài thi.

Cuối cùng, thí sinh chỉ được rời phòng thi sau khi cán bộ coi thi đã kiểm đủ số phiếu trả lời trắc nghiệm của cả phòng và cho phép ra về. Khi sự việc bất thường xảy ra, thí sinh phải tuyệt đối tuân theo sự hướng dẫn của cán bộ coi thi.

2. Giáo viên trường chuyên hướng dẫn cách làm bài môn Toán

Từng đỗ Đại học Y Hà Nội, Đại học Dược rồi trở thành thủ khoa kép của Đại học Hà Tĩnh, thầy Trần Thế Hùng, giáo viên Toán trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, chia sẻ kinh nghiệm đạt điểm tốt môn Toán.

Câu hỏi thực tiễn trong môn Toán chiếm số ít, nhưng có tính thời sự, phân hóa cao. Các em cần rèn luyện để không lúng túng khi đối mặt. Khi trong phòng thi, thí sinh chú ý sáu điểm:

Thứ nhất, cần đọc, rà soát đề trước khi làm bài. Khi nhận được đề, các em cần dành 2-3 phút đọc lướt một lượt từ câu đầu đến cuối. Một phần nhằm kiểm tra xem đề có lỗi kỹ thuật như mờ, nhòe, thiếu trang hay không để kịp thời báo với cán bộ coi thi. Phần nữa là để phân loại, nhận biết kiến thức liên quan.

Thứ hai, các em cần phân bố thời gian làm bài hợp lý. Đề thi được sắp xếp theo độ khó tăng dần, cần chọn nhanh đáp án đúng, không nên mất quá nhiều thời gian cho một câu hỏi khó nhưng cũng không nên xem nhẹ mà chủ quan với những câu đó.

Thứ ba, cần đọc kỹ câu hỏi dạng lý thuyết, chú ý các cụm từ phủ định trong câu hỏi. Nếu có khó khăn trong việc tìm ra đáp án, hãy sử dụng phương pháp loại trừ dựa trên nền tảng kiến thức đã có.

Thứ tư, tận dụng tối đa máy tính cầm tay. Với môn Toán, máy tính là công cụ hỗ trợ đắc lực. Việc sử dụng các tính năng của máy tính như lập bảng, giải nghiệm gần đúng cũng như xử lý số liệu cụ thể trong một số bài toán có thể giúp cho các em rút ngắn thời gian, đưa ra kết quả chính xác.

Thứ năm, thí sinh cần ghi nhớ và vận dụng tốt kết quả đã được chứng minh, hạn chế thao tác lập luận và biến đổi dài dòng để tăng cường phản xạ xử lý câu hỏi quen thuộc.

3. Làm bài thi Vật lý thế nào để đạt điểm cao?

Thầy Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh, giảng viên Vật lý Đại học Bách khoa Hà Nội, chia sẻ phương pháp giúp thí sinh đạt điểm cao nhất môn Vật lý trong kỳ thi THPT quốc gia ngày 25-27/6.

Đề tham khảo môn Vật lý kỳ thi THPT quốc gia 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo phân bố điểm theo cấu trúc 3 + 3 + 2 + 2 = 10 (dễ, trung bình, hơi khó, khó). Đề thi thật sẽ tương tự đề thi tham khảo, sắp xếp từ dễ đến khó nên thí sinh cứ làm tuần tự từ câu đầu đến câu cuối.

Độ khó, dễ phân theo từng nội dung như sau:
kỹ năng làm bài thi, kỹ năng làm bài thi môn lịch sử, kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm môn địa lý, kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm, kỹ năng làm bài thi môn ngữ văn, kỹ năng làm bài thi tiếng anh, các kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm, kỹ năng làm bài thi hiệu quả, cách làm bài thi tốt, cách làm bài thi ngữ văn, cách làm bài thi tiếng anh thpt quốc gia, cách làm bài thi môn văn đạt điểm cao
12 câu đầu tiên (3 điểm) thuộc loại dễ, thường là nhận dạng một khái niệm, ghi nhớ một công thức hay phân biệt tính chất vật lý của hiện tượng. Vì dễ nên có thể thí sinh lướt nhanh dẫn tới nhầm lẫn. Để tránh mất điểm, các em nên đọc đề chậm rãi và chắc chắn, chỉ mất 4-5 phút là giành trọn 3 điểm phần này.

12 câu tiếp theo (3 điểm) thuộc loại trung bình. Các bài tập chỉ sử dụng một phương trình vật lý cơ bản. Tính toán đơn giản và có thể nhẩm được. Nếu sai ở phần này là do bạn tính ẩu và nhầm lẫn về đổi đơn vị của các đại lượng. Chỉ cần 7-8 phút bạn có thêm 3 điểm. Hãy nhớ rằng câu hỏi càng dễ thì càng nên thận trọng để tránh mất điểm một cách "lãng xẹt".

8 câu tiếp theo (2 điểm) thì hơi khó. Các câu hỏi hoàn toàn là bài tập, không có lý thuyết. Thí sinh cần lập hệ phương trình để giải, tức là phải dùng ít nhất 2 phương trình vật lý trở lên. Bài toán đã có tính chất tổng hợp hơn nhưng hiện tượng vật lý vẫn tường minh.

Các em cứ bình tĩnh dành thời gian cho phần này. Câu nào chưa nghĩ ra có thể tạm gác lại. Câu nào làm được thì hãy chắc chắn trong các phép toán để ra đáp số đúng. Có thể dành 15-20 phút cho phần này. Nếu bạn đã ôn luyện kỹ thì khả năng dành được trọn vẹn 2 điểm phần này là cao.

8 câu cuối cùng (2 điểm) là những câu khó, trong đó khoảng 4 câu là thách thức thực sự. Các hiện tượng vật lý không tường minh, bạn phải suy nghĩ để tìm xem đề bài đang đề cập hiện tượng nào. Tính toán phức tạp hơn đòi hỏi thí sinh kiên nhẫn.

Nếu gặp may vì từng làm những câu tương tự thì bạn cần tính toán cẩn thận tránh nhầm lẫn đáng tiếc. Những câu không thể tìm ra đáp án, thí sinh nên chọn ngẫu nhiên một phương án ít xuất hiện nhất ở 30 câu đầu.

4. Cách giành điểm cao môn Hóa kỳ thi THPT quốc gia

Thầy Nguyễn Hoàng Sa, giáo viên trường THPT Anhxtanh, Hà Nội, hướng dẫn thí sinh cách làm bài thi THPT quốc gia môn Hóa.

Đề thi minh họa môn Hóa của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2019 phân bố số câu hỏi theo tỷ lệ: Nhận biết 30% (12 câu dễ), thông hiểu 30% (12 câu trung bình), vận dụng 20% (8 câu hơi khó) và vận dụng cao 20% (8 câu khó). Ngoài ra, mức độ dễ khó của câu hỏi cũng được sắp xếp cơ bản là từ trên xuống dưới nên thí sinh có thể làm lần lượt.

Mức độ nhận biết (dễ) là 12 câu đầu (từ 40 đến 52) đều là dạng câu hỏi lý thuyết, có một câu thuộc lớp 11 (chương Cacbon - Silic). Thí sinh chỉ cần nhớ lý thuyết cơ bản trong sách giáo khoa là có thể trả lời chính xác để lấy được 3 điểm.

Câu hỏi dễ, nhưng vẫn nhiều thí sinh mất điểm do học lý thuyết và làm bài không cẩn thận. Để tránh mất điểm phần này, thí sinh cần học kỹ các tính chất vật lý (este, amin, aminoaxit, kim loại...), tên gọi của một số chất (este, amin, aminoaxit, vật liệu polime, hợp chất vô cơ...) và các tính chất hóa học cơ bản.

12 câu tiếp theo ở mức độ thông hiểu (trung bình), từ câu 53 đến 64. Có 8 câu hỏi lý thuyết, trong đó một câu thuộc lớp 11 (chương Điện ly), còn lại là nội dung kiến thức lớp 12 về tính chất hóa học của các chất và hợp chất.

Các câu hỏi bài tập tính toán (4 câu) đều là dạng rất cơ bản có trong sách giáo khoa, thí sinh chỉ cần sử dụng 1-2 phép tính là có thể ra kết quả. Lưu ý thí sinh cần đọc kỹ đề và tính toán cẩn thận để không mất điểm ở những bài toán dễ.

Từ câu 65 đến 72 hơi khó, có 4 câu hỏi lý thuyết, trong đó 3 câu đếm mệnh đề đúng sai. Để trả lời, thí sinh cần kết hợp kiến thức của nhiều phần một cách chính xác. Các câu hỏi bài tập phần này đã khó hơn, cần 3-4 phép tính mới có thể giải ra kết quả.

Tuy nhiên, bài tập chủ yếu ở phần este và kim loại kiềm, kiềm thổ, nhôm. Thí sinh cần phân tích đề để có thể sử dụng thích hợp các phương pháp giải toán như: Phân tử khối trung bình, bảo toàn khối lượng, bảo toàn mol của một nguyên tố hóa học, bảo toàn điện tích...

Mức độ vận dụng cao (khó) tập trung ở 8 câu cuối, đòi hỏi thí sinh phải nắm chắc kiến thức tổng hợp trong chương trình, kỹ năng tính toán trong phần làm bài tập đều ở mức độ cao. Phần này dành cho thí sinh thuộc loại giỏi, những bạn khác nếu may mắn có thể gặp được dạng quen thuộc thì vẫn có thể làm được.

Trường hợp không thể tìm ra cách giải, thí sinh có thể suy luận từ kiến thức mình có rồi loại trừ một vài đáp án sai để tăng xác suất khi khoanh ngẫu nhiên.

5. Những nhầm lẫn khi làm bài thi môn Lịch sử

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP HCM) tư vấn cách làm bài môn này.

Môn Lịch sử thi trắc nghiệm theo hướng phân hóa và đánh giá năng lực nên đề thi sẽ trải dài, rộng và bao quát toàn bộ chương trình học. Theo đề thi minh họa và định hướng ôn tập của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề sẽ tập trung phần lớn ở kiến thức lớp 12, trong đó lịch sử thế giới chiếm 20%, lịch sử Việt Nam 80%.

Thí sinh cần tập trung ôn tập các vấn đề cơ bản, nổi bật của chương trình học theo chủ đề hay giai đoạn phân kỳ để nắm được đặc điểm và tiến trình của lịch sử. Qua đó thấy được mối liên hệ của lịch sử thế giới, tác động, ảnh hưởng đến lịch sử Việt Nam. Ở phần lịch sử thế giới, học sinh nên ôn tập theo chủ đề để dễ hệ thống kiến thức.

Trong quá trình làm bài, thí sinh rất dễ bị nhầm lẫn giữa các chiến dịch và chiến lược cách mạng, điểm giống khác nhau giữa các chiến lược trong giai đoạn 1954-1975. Để tránh bị nhầm về thời gian, nội dung sự kiện ở các giai đoạn lịch sử, học sinh nên lập niên biểu sự kiện theo bảng biên niên, ghi ý nghĩa bên cạnh để dễ nhớ, dễ hiểu.

Đối với các sự kiện lịch sử tiêu biểu, học sinh cần nắm chắc ý nghĩa và tác động của nó. Phần "Đổi mới đất nước" thường bị thí sinh bỏ qua vì thuộc phần cuối chương trình, nhưng trong các đề thi vẫn có.

Ngoài ra, thí sinh dễ mắc sai lầm nhất là khi không đọc kỹ dữ liệu trong câu hỏi, dễ bị các "mồi nhử" thông tin trong phương án đánh lừa bởi cách diễn đạt bằng từ đồng nghĩa. Nên nhớ, ở dạng thi trắc nghiệm, cùng một dữ liệu sẽ có nhiều cách hỏi và mỗi cách hỏi sẽ có một đáp án tương ứng.

Có hai trường hợp dễ nhầm lẫn, thí sinh cần lưu ý

Thứ nhất, những câu hỏi có nội dung dài, đáp án gần như giống nhau, các em cần đọc đi đọc lại thật chậm, kỹ để tránh bị "lừa" và vội vàng lựa chọn đáp án.

Ví dụ:

Nhận xét nào dưới dây là đúng về cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945 ở Việt Nam?

A. Đây là cuộc cách mạng bạo lực dựa vào lực lượng chính trị là chủ yếu.

B. Đây là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc có tính chất dân chủ điển hình.

C. Đây là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc có tính chất nhân dân sâu sắc.

D. Đây là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc bằng phương pháp bạo lực.

Đáp án: C.

Thứ hai, các em cần lưu ý dạng câu hỏi: "...không...?". Lẽ ra nên chọn câu trả lời sai thì các bạn lại chọn câu trả lời đúng. Trường hợp này, để chọn được đáp án chính xác nên dùng phương pháp loại suy, câu nào sai là đáp án.

Ví dụ:

Biểu hiện nào dưới đây không phản ánh đúng xu thế phát triển của thế giới từ khi Chiến tranh lạnh chấm dứt đến năm 2000?

A. Các quốc gia đều tập trung lấy phát triển kinh tế làm trọng điểm.

B. Hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chủ đạo của thế giới.

C. Các nước lớn điều chỉnh quan hệ theo hướng đối thoại, thỏa hiệp.

D. Trật tự thế giới đơn cực được xác lập trong quan hệ quốc tế.

Đáp án là D, bởi câu này đề cập đến trật tự, các câu còn lại là xu thế phát triển của thế giới.

Các em có 50 phút làm bài nên cần cẩn thận. Khi làm bài nên đọc qua các câu hỏi, chọn đáp án câu dễ trước, câu khó để lại làm sau. Những câu hỏi khó, yêu cầu khả năng vận dụng cao thường nằm ở câu 35 đến câu 40.

6. Thầy giáo TP HCM hướng dẫn cách làm bài Giáo dục công dân

Thầy Ngô Đức Kỳ, giáo viên môn Giáo dục công dân trường THPT Võ Trường Toản (TP HCM) chia sẻ một số lưu ý trong quá trình làm bài thi THPT quốc gia.

Trọng tâm kiến thức của bài thi Giáo dục công dân nằm trong chương trình lớp 12, một số câu thuộc nội dung kiến thức lớp 11 và lớp 10. Câu hỏi lý thuyết thường chiếm 70 %, phần còn lại là liên hệ thực tế.

Các câu hỏi sẽ xoáy sâu vào kiến thức pháp luật trong chương trình Giáo dục công dân lớp 12. Nội dung cần liên hệ thực tiễn gồm: các hình thức thực hiện pháp luật; các loại vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý; các quyền tự do và dân chủ cơ bản của công dân.

Ví dụ:

Anh Hùng đi xe máy phóng nhanh, vượt ẩu nên đâm vào người đi đường làm họ bị chấn thương, tổn hại sức khỏe là 31% và xe máy bị hư hỏng nặng. Trường hợp này, anh Hùng phải chịu những loại trách nhiệm pháp lý nào?

A. Hình sự và dân sự.

B. Dân sự và hành chính.

C. Hình sự và kỷ luật.

D. Hình sự và hành chính.

Đáp án: A

Để làm tốt phần câu hỏi lý thuyết, thí sinh cần nắm chắc các khái niệm về pháp luật, tránh nhầm lẫn hoặc không phân biệt được khái niệm, nội dung cơ bản. Thí sinh cần đọc kỹ đề, xác định "từ khóa" trong câu hỏi, phân bố thời gian hợp lý.

Thí sinh cũng cần chú ý kiến thức, khái niệm dễ nhầm lẫn, gồm:

- Các hình thức thực hiện pháp luật (thi hành pháp luật, tuân thủ pháp luật...).

- Các loại vi phạm pháp luật (hình sự, dân sự, hành chính...).

- Các hình thức xử lý khi vi phạm kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, chuyển công tác, buộc thôi việc).

- Không phân biệt được các quyền (quyền khiếu nại, quyền tố cáo).

- Quyền và nghĩa vụ của người dân ở nơi sinh sống (những việc phải thông báo để dân biết và thực hiện, những việc dân bàn bạc và quyết định trực tiếp, những việc dân giám sát kiểm tra...).

Với câu hỏi tình huống, để làm tốt, thí sinh cần liên hệ, vận dụng kiến thức ở nhiều nguồn như: sách giáo khoa, các văn bản luật, tin tức thời sự, báo chí...

Trước các tình huống dài, rắc rối, thí sinh cần đọc kỹ và phân tích dữ liệu. Nên gạch chân các dữ kiện hoặc ghi ra nháp hoặc sơ đồ hóa tình huống để dễ nhận biết nhất rồi mới trả lời.

Các em cần nhớ nguyên tắc, đề hỏi gì thì trả lời cái đó, tránh để phần dẫn của câu hỏi làm nhiễu.

7. Kinh nghiệm làm bài thi môn Sinh học

Cô Trần Thị Ái Huế, tổ trưởng tổ Sinh học của trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, chia sẻ một số lưu ý trong quá trình làm bài thi THPT quốc gia.

Đề minh họa môn Sinh học của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy đề thi tập trung vào kiến thức lớp 12 (90%) và lớp 11 (10%). Trong đó, mức độ nhận biết có 16 câu; thông hiểu 8 câu; vận dụng 8 câu và vận dụng cao là 8 câu.

Trong quá trình ôn tập và làm bài thi, tùy theo năng lực cũng như mục tiêu, các em cần lưu ý:

- Ở mức độ cơ bản, chống liệt, các em nên tập trung ôn tập và làm các câu phần cơ chế di truyền; biến dị và quy luật di truyền để nắm chắc từ 3,5 đến 4 điểm.

- Những em đặt mục tiêu từ 8 điểm trở lại nên tập trung ôn tập chương I lớp 11 cũng như các câu hỏi vận dụng cơ bản của phần di truyền; tiến hóa và sinh thái.

- Đối với học sinh có mục tiêu cao, cần ôn tập và tăng cường rèn luyện các dạng bài khó phần di truyền người, di truyền quần thể.

Bên cạnh đó, kỹ năng làm bài trong phòng thi cũng cực kỳ quan trọng. Các em cần đọc kỹ đề; phân loại ngay câu hỏi theo phạm vi kiến thức cũng như mức độ khó dễ và làm bài theo ba vòng:

- Vòng 1: Làm bài với câu hỏi mức độ ghi nhớ và hiểu. Đây là phần chiếm đến 6 điểm trong đề.

- Vòng 2: Làm các câu vận dụng. Đa phần học sinh biết cách giải, nhưng tính toán hoặc phân tích cần thời gian và cẩn thận.

- Vòng 3: Làm các câu hỏi vận dụng cao.

Với môn Sinh học, ở một số câu hỏi, các em có thể sử dụng kết quả, công thức mà các thầy cô đã chứng minh để vận dụng một cách phù hợp, rút gọn thời gian tính toán, phân tích.

8. Kỹ năng sử dụng Atlat trong bài thi Địa lý

Thạc sĩ Vũ Thị Bắc, giáo viên Địa lý trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP HCM) chia sẻ một số lưu ý trong quá trình làm bài thi THPT quốc gia.

Theo minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề Địa lý tập trung vào chương trình lớp 12. Trọng tâm là nội dung địa lý ngành (6 câu), địa lý các vùng (10 câu), với mức độ vận dụng từ thấp đến cao; phần thực hành kỹ năng địa lý (15 câu) chiếm 3,75 trong tổng số 10 điểm.

Ở phần câu hỏi lý thuyết, thí sinh cần lưu ý:

- Đọc kỹ câu hỏi, tìm ra những từ khóa chính trong nội dung. Ví dụ: nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, du lịch...

- Áp dụng quy tắc "dễ trước, khó sau", nên dành thời gian cho các câu hỏi dễ trước.

- Với những câu hỏi khó, đừng quên sử dụng Atlat. Hãy cố gắng tìm câu trả lời bằng cách sử dụng Atlat một cách triệt để. Nếu vẫn chưa tìm được đáp án, hãy tiếp tục dùng phương pháp loại trừ để chọn.

Với phần câu hỏi thực hành kỹ năng, thí sinh cần chú trọng rèn luyện các thao tác sử dụng Atlat, nhận dạng biểu đồ, công thức tính toán:

- Nắm chắc các ký hiệu trong trang 3 của cuốn Atlat. Nên sử dụng phần mục lục ở trang cuối để tìm ra câu trả lời từ từ khóa của câu hỏi. Ví dụ từ khóa là "giao thông", hãy tra phần giao thông trang 23 Atlat, với từ khóa "du lịch" thì tra trang 25...

- Với phần biểu đồ, nếu quên dạng biểu đồ có thể sử dụng Atlat để tham khảo vì trong đó có tất cả dạng biểu đồ môn Địa lý (cột, đường, tròn, miền, biểu đồ kết hợp).

- Với bảng số liệu cần tính toán, nắm một vài công thức chính trong môn Địa lý như: mật độ dân số, diện tích bình quân đầu người, lương thực bình quân...

Atlat được phân bố theo nội dung sách giáo khoa, là công cụ bổ trợ hiệu quả trong quá trình học Địa lý. Khi đi thi, thí sinh có quyền mang Atlat để dựa vào đó tìm ra câu trả lời. Nếu không nắm chắc kỹ năng sử dụng Atlat thì rất khó làm bài.

Các dạng câu hỏi sử dụng Atlat thường gặp:

- Dạng câu hỏi đơn giản: Dựa vào Atlat trang 4,5 em hãy liệt kê...

- Dạng phân tích, diễn giải: Dựa vào Atlat và kiến thức đã học, em hãy...

- Dạng tổng hợp: Dựa vào Atlat trang 4,5 hãy cho biết số liệu trong bảng...

Như vậy, nếu biết cách sử dụng Atlat thuần thục cộng thêm kiến thức đã ôn tập, thí sinh có thể dễ dàng lấy được 5 điểm. Với những thí sinh có mục tiêu cao hơn, cần theo dõi tin tức thời sự, nắm bắt các vấn đề nóng hiện nay để trả lời chính xác câu hỏi đòi hỏi khả năng vận dụng cao.

9. Thầy giáo TP HCM chỉ bí kíp vượt qua thử thách môn Văn

Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên trường THPT Bùi Thị Xuân (TP HCM) chia sẻ một số "bí kíp" giúp thí sinh lấy lại bình tĩnh và làm bài tốt.

Đề thi môn Ngữ văn THPT quốc gia gồm ba phần: Đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

Ở phần đọc hiểu, học sinh nên chú ý các dạng câu hỏi sau:

- Xác định phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, thao tác lập luận: Cần gọi tên chính xác thao tác, phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ. Nếu đề hỏi "phương thức biểu đạt nào là chính?" thì chỉ được phép trả lời duy nhất một đáp án.

- Xác định biện pháp tu từ: Phải gọi tên chính xác một hoặc một vài biện pháp tu từ, đồng thời đưa dẫn chứng đi kèm.

- "Theo tác giả...?": Học sinh tìm đáp án ở trong văn bản.

- "Anh chị có đồng tình với quan điểm... trong bài viết hay không? Vì sao?": Cần xác định rõ, trả lời ngay rằng đồng tình hay không đồng tình hoặc vừa đồng tình vừa không đồng tình và phải đưa ra được lý do.

- "Anh chị hiểu như thế nào về vấn đề sau đây?": Nên trình bày nhiều cách hiểu dưới nhiều góc độ, sau đó chốt lại quan điểm bản thân về vấn đề đó.

Thí sinh thường làm phần đọc hiểu rất vội, rất nhanh để chuyển sang phần làm văn. Đó là tâm lý sai lầm bởi phần này rất quan trọng, cần làm chắc chắn để đảm bảo được điểm tối đa.

Để "đọc" mà "hiểu", thí sinh cần đọc chậm rãi, kết hợp gạch chân dưới những câu, những từ quan trọng. Lưu ý, khi làm bài, tốt nhất nên làm theo đúng thứ tự câu, trả lời ngắn gọn, đúng vào trọng tâm của câu hỏi.

Ở phần nghị luận xã hội, có những lưu ý sau:

- Cần tránh việc viết bài văn thu nhỏ, nên viết đoạn văn có cấu trúc rõ ràng (diễn dịch, hoặc quy nạp, tổng phân hợp). Dung lượng không quá ngắn cũng không quá dài, đừng viết quá một trang giấy thi (20-25 câu là độ dài phù hợp).

- Triển khai vấn đề cần nghị luận trực tiếp. Câu đầu tiên phải chứa từ khóa của đề. Chỉ cần sử dụng một hoặc một vài thao tác lập luận.

- Trong bài nghị luận xã hội không thể thiếu dẫn chứng. Phải có ít nhất một cái tên hoặc một câu danh ngôn nổi tiếng làm dẫn chứng cho bài làm. Bài không có dẫn chứng sẽ không có tính thuyết phục.

Với phần nghị luận văn học, phải đảm bảo yêu cầu bố cục 3 phần (mở bài, thân bài, kết bài). Để được điểm cao ở phần này, học sinh cần viết một cách sâu sắc, có nhiều ý sáng tạo, thể hiện được cách cảm nhận tinh tế.

Với bài đã có lý luận và phân tích sâu, nếu có liên hệ, so sánh với những đoạn văn, câu văn hoặc câu thơ trong các tác phẩm khác thì bài viết sẽ có độ rộng. Bài vừa có độ rộng vừa có độ sâu thì sẽ đạt được điểm số cao hơn.

Tuy nhiên, khi viết so sánh, liên hệ thì chỉ nên viết sơ lược, ngắn gọn, không sa đà vào phân tích kỹ phần so sánh nếu đề không yêu cầu.

Ngoài kiến thức và nội dung, học sinh cần chú ý một số vấn đề về hình thức trình bày:

- Trả lời gọn gàng: Trường hợp đề yêu cầu viết đoạn văn ngắn (3-5 dòng) thì viết thành đoạn, nếu đề không yêu cầu, học sinh có thể gạch ý (đối với phần đọc hiểu).

- Trình bày lần lượt từng câu một. Tránh trường hợp ghi thiếu, đánh một dấu chữ "V", sau đó bổ sung ở chỗ khác.

- Trình bày bài làm cụ thể, đầy đủ. Nếu không đẹp được thì phải rõ ràng, chỉnh chu.
Nguồn: vnexpress.net
------------------------
Tag: kỹ năng làm bài thi, kỹ năng làm bài thi môn lịch sử, kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm môn địa lý, kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm, kỹ năng làm bài thi môn ngữ văn, kỹ năng làm bài thi tiếng anh, các kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm, kỹ năng làm bài thi hiệu quả, cách làm bài thi tốt, cách làm bài thi ngữ văn, cách làm bài thi tiếng anh thpt quốc gia, cách làm bài thi môn văn đạt điểm cao

No comments

Powered by Blogger.